KHU DI TÍCH ĐÌNH YÊN LÝ

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
KHU DI TÍCH ĐÌNH YÊN LÝ

KHU DI TÍCH ĐÌNH YÊN LÝ

 

1. Vị trí địa lý

- Đình Yên Lý thuộc thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Theo tài liệu "địa lý hành chính Kinh Bắc" của tác giả Nguyễn Văn Huyên, trang 204 vào khoảng đầu thế kỷ XIX, thôn Yên Lý thuộc xã Lý Cốt, tổng Lan Giới, huyện Yên Thế, phủ Bắc Hà xứ Kinh Bắc. Tổng Lan Giới khi ấy gồm có 4 xã: Lan Giới, Đại Hoá, Lãn Quật và Giản Ngoại.

- Đình Yên Lý nằm ở rìa làng Yên Lý, cạnh con đường liên thôn, giáp với xóm Chùa và núi Đót. Phía trước đình là đường liên thôn và cánh đồng lúa trải màu xanh. Sau đình là núi Đót, bên kia là xã Phú Bình của tỉnh Thái Nguyên.

- Vị trí của đình Yên Lý như sau:

Phía bắc: giáp núi Đót, bên kia là tỉnh Thái Nguyên.

Phía nam: giáp cánh đồng và thôn Tiền Sơn, xã Phúc Sơn.

Phía đông: giáp xã Lam Cốt.

Phía tây: giáp làng Hà, làng Luông, xã Phúc Sơn.

- Di tích đình Yên Lý cách thành phố Bắc Giang khoảng 30 km về phía tây bắc. Con đường ngắn nhất sẽ đi từ UBND xã Phúc Sơn theo con đường 297, 1km là đến làng Yên Lý và khu di tích đình Yên Lý.

2. Giới thiệu chung

- Đình Yên Lý là công trình tín ngưỡng của nhân dân làng Yên Lý xã Phúc Sơn. Đình được xây dựng từ thời Nguyễn, để tôn thờ những vị thần có công với dân làng, với đất nước.

- Đình Yên Lý thờ Đức Thánh Tam Giang.

- Hằng năm làng Yên Lý chỉ có một tiết lệ chính diễn ra vào ngày 12 tháng giêng âm lịch. Trong ngày này dân làng mở hội đông vui, mọi gia đình đều làm cỗ, và thắp hương tế thần Thành Hoàng làng để tưởng nhớ tới những người có công lao với dân làng.

- Di tích đã được xếp hạng Văn hóa lịch sử cấp tỉnh.

3. Lịch sử hình thành và phát triển

- Đình Yên Lý được xây dựng từ thời Nguyễn, trải qua thời gian chịu nhiều mưa nắng và sự tàn phá của bom đạn chiến tranh ngôi đình đã bị hư hỏng nặng. Đến nay dân làng Yên Lý, tu tạo phục dựng lại ngôi đình từ một số nguyên vật liệu và hiện vật còn sót lại. Nhưng đình Yên Lý vẫn mang dáng vẻ cổ kính uy nghiêm.                       

4. Giá trị lịch sử

- Giá trị nổi trội hơn cả của di tích này lại là nơi ghi nhận những sự kiện lịch sử cách mạng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc . Trong mục thống kê các di tích cách mạng sách địa chí Tân Yên, trang 330 có ghi như sau -.''Làng Đỏ ( Yên Lý - Phúc Sơn) cơ sở cách mạng tiền khởi nghĩa".

- Như vậy có thể coi nơi đây đại diện cho một tổng Lan Giới, " An toàn khu của Trung ương Đảng", nơi sinh thành chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Yên Thế.

- Làng Yên Lý còn là cơ sở cách mạng - nơi hội tụ của nhiều cán bộ cách mạng nhiều cuộc họp, hội nghị, mít tinh, lớn của địa phương và nhân dân trong vùng đã diễn ra tại nơi đây, trong thời kỳ vận động cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa đánh phủ Yên Thế.

=> Chính từ cơ sở này mà phong trào cách mạng ở nhiều vùng lân cận có ảnh hưởng và phát triển mạnh mẽ, Làng Yên Lý là một trong những địa phương khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi sớm trong tỉnh Bắc Giang.

5. Các dấu mốc lịch sử quan trọng

- Làng Yên Lý là nơi có phong trào cách mạng bùng nổ mạnh mẽ. Bên cạnh đó cùng với lợi  thế địa hình đồi gò xen kẽ, cây cối rậm rạp, đi lại hiểm trở, rất phù  hợp với chiến tranh du kích và cũng rất hợp cho việc xây dựng cơ sở cách mạng và căn cứ an toàn. Mặt khác Yên Lý lại nằm ở cửa ngõ của căn cứ địa cách mạng Việt Bắc. Cho nên từ rất sớm nơi đây đã trở thành trung tâm điểm của phong trào cách mạng của địa phương và khu vực trong thời kỳ vận động cách mạng tháng Tám năm 1945.

Năm 1944 nhiều cán bộ cách mạng đã về ấp Yên Lý gây dựng phong trào cách mạng và cơ sở chiến đấu như đồng chí Hà Thị Quế, Hoàng Quốc Thịnh... Ấp Yên Lý là khu căn cứ cách mạng ở xã Lý Cốt, ở đây đã có nhiều gia đình đã có công với cách mạng, từng nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Ngày 03/9/1944 đồng chí Hà Thị Quế cho thành lập chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên ở tại nhà cụ Nguyễn Đình Dụ ấp Yên Lý gồm có 3 Đảng viên là đồng chí Nguyễn Đình Toại, Đỗ Viết Sách, Lưu Văn Cẩn, để lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương.

Đình Yên Lý

Ngày 09/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, đến ngày 12/3/1945, trung ương Đảng ra chỉ thị " Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Sau chỉ thị này hội nghị mở rộng Ban cán sự tỉnh Bắc Giang đã họp tại nhà cụ Nguyễn Đình Dụ ấp Yên Lý, có các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Thanh Bình, bàn chủ trương hành động. Hội nghị đã giao cho đồng chí Hà Thị Quế chủ trương tổ chức lực lượng vũ trang đánh phủ Yên Thế.

Cũng trong thời gian này tại ngôi đình Yên Lý, Ủy ban Dân Tộc giải phóng của xã Lý Cốt được thành lập đồng chí Đỗ Viết sách làm chủ tịch.

Ngày 08/4/1945 tại đình Yên Lý lá cờ đỏ sao vàng của Tổ Quốc đã tung bay trên bầu trời lộng gió .

Chiều ngày 15/4/1945 lực lượng tự vệ vũ trang làng Yên Lý phối hợp với lực lượng tự vệ vũ trang Đồng Điều do anh Châu Đen Chỉ huy đánh phủ Yên Thế.

Ngày 13/7/1945 cũng tại Đình Yên Lý đồng chí Hà Thị Quế tổ chức lực lượng xuất quân đi đánh phủ Yên Thế lần nữa .

Ngày 17/7/1945 khu căn cứ cách mạng Yên Lý sôi động hẳn lên, đồng chí Hà Thị Quế đã tập trung các lực lượng vũ trang tại đình Yên Lý đi đánh phủ Yên Thế lần thứ 3. Trận đánh này ta thu được nhiều thắng lợi.

Ngày 18/7/1945 nhân dân Yên Lý đã ăn mừng chiến thắng tại đình làng. Tin đánh thắng phủ Yên Thế vang dội khắp nơi cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp các làng xóm.

Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 06/01/1945 tại đình Yên Lý đã diễn ra một sự kiện lịch sử đầu tiên của nhân dân trong vùng, thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu, tổng tuyển cử bầu quốc hội và hội đồng nhân dân.

6. Vẻ đẹp kiến trúc

Bên cạnh những giá trị lịch sử quan trọng, Đình Yên Lý còn thu hút khách tham quan bởi nét đẹp kiến trúc của bản thân. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu đôi nét về kiến trúc này nhé.

Được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, sau khi trải qua sự tàn phá của chiến tranh, Đình đã bị hư hỏng nặng. Người dân đã nhiều lần  tạo phục dựng lại ngôi đình từ một số nguyên vật liệu và hiện vật còn sót lại. Nhưng đình Yên Lý vẫn mang dáng vẻ cổ kính uy nghiêm. Đây chính là một số nét đặc trưng còn sót lại:

Đầu tiên khi ta đi qua đường làng ta sẽ vào sân đình. Sân đình có chiều rộng là 14,4m, chiều dài là 36,2m. Góc bên trái sân có một tấm bia đá ghi về sự kiện lịch sử đã diễn ra ở nơi đây. Đình có bố cục mặt bằng theo kiểu hình chữ nhị, gồm có hai tòa: Tòa tiền tế và tòa hậu cung.

Tòa tiền tế có ba gian hai dĩ, mỗi gian có chiều dài là 2,55 m, lòng thông thuỷ dài 5,6 m . Chiều cao từ chân cột cái đến nóc đình là 5.0 m, cao từ chân cột đến đầu trụ là 4,5 m. Chiều cao của tường là 3,62 m, từ chân tường đến dạ tàu cao 3,20 m.

Kết cấu kiến trúc của tòa tiền tế theo lối vì kèo cánh báng, không chạm khắc cầu kỳ. Toà này đã tu sửa nhiều lần hiện tại đang xuống cấp.

Tòa hậu cung có 3 gian được chạy song song với toà tiền tế, mỗi gian dài 2,35m, lòng thông thuỷ dài 3,7m. Chiều cao từ chân cột cái đến nóc đình là 3,50m, cao từ chân cột đến đầu trụ là 3,40m, chiều cao bờ tường là 2,82m và chiều cao từ chân tường đến dạ tàu là 1,90m. Trong toà hậu cung có đặt hương án, bài vị thờ thánh Tam Giang cùng nhiều đồ thờ tự khác .

Cả hai toà tiền tế và hậu cung có kết cấu vì kèo cánh báng, khung quá giang vượt và đặt tứ trụ chống nóc.

Tại đình Yên Lý có tấm bia đá. Bia có chiều cao 0,65m, lòng mặt bia rộng 0,36m, trán bia rộng 0,7m. Trán bia có trang trí hoa văn hình rồng chầu nguyệt.

Bia lưu niệm – nơi thành lập chi bộ đầu tiên của huyện Tân Yên (tháng 9/1944)

7. Tổng kết

Đình Yên Lý là địa điểm thu hút rất nhiều khách tham quan khi đến với Bắc Giang cũng như người dân địa phương nơi đây. Đình vẫn luôn nhận được sự quan tâm của chính phủ và người dân để có thể tu sửa và gìn giữ một vẻ đẹp văn hóa linh thiêng như vậy.